Ông Đỗ Quang Hiển: SHB hạ tiêu chuẩn 'kén rể' vì không tìm được đối tác dài hạn
Ông Đỗ Quang Hiển: SHB hạ tiêu chuẩn 'kén rể' vì không tìm được đối tác dài hạn
Ví SHB là "cô gái đẹp", song ông Đỗ Quang Hiển
cho biết các đối tác tìm đến ngân hàng chỉ với mục tiêu đầu tư ngắn và
trung hạn nên nhà băng phải hạ tiêu chuẩn "kén rể".
Tại phiên họp cổ đông thường niên của Ngân hàng Sài
Gòn - Hà Nội (SHB) chiều 11/4, thông tin tìm đối tác chiến lược và cổ
tức vẫn là hai vấn đề được các cổ đông quan tâm nhất.
Trong
số các nhà băng trên thị trường, SHB là cái tên hiếm hoi trong nhóm
ngân hàng tư nhân vẫn trống cổ đông chiến lược. "Room" ngoại của ngân
hàng này hiện chỉ ở mức gần 7%, tức còn trống nhiều so với quy định mức
tối đa là 30%. Việc tìm kiếm một cổ đông chiến lược nắm giữ 15% vốn của
ngân hàng là điều được cổ đông SHB đề xuất liên tục nhiều năm nay.
Ông
Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB cho biết ngân hàng này
trước nay được xem là "cô gái đẹp, có rất nhiều chàng trai, từ nhiều
quốc gia, muốn kết hôn". Tuy nhiên, SHB luôn giữ quan điểm thận trọng vì
muốn tìm đối tác chung thủy, có thể đi cùng ngân hàng trong dài hạn.
"Chiến
lược của nhà băng là chọn đối tác có thể đi cùng trong dài hạn 15-20
năm, tham gia cùng ngân hàng trong cả việc quản trị điều hành, công
nghệ, chứ không chỉ là đầu tư vốn", ông Hiển cho biết.
Tuy
nhiên, lãnh đạo SHB thừa nhận sau khi tiếp xúc với nhiều đối tác, đa
phần họ chỉ muốn đầu tư tài chính, đi cùng SHB trong ngắn hoặc trung
hạn, khoảng 3-5 năm. Nhiều năm không chọn được đối tác chiến lược, nên
năm nay, ông Hiển cho biết nhà băng này sẽ hạ tiêu chuẩn.
Ông
cho biết hiện ngân hàng đàm phán với một số tổ chức lớn và có thể sẽ
"chốt một chàng rể" trong cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Với vấn đề cổ tức,
nhiều cổ đông đề nghị ngân hàng xem xét chi trả bằng tiền. Một cổ đông
đề nghị SHB có thể chuyển tỷ lệ chi trả cổ tức 18% của năm 2022 thành
một phần bằng tiền (5-6%) và một phần bằng cổ phiếu.
Theo
ông Hiển, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp nâng cao năng lực vốn
của ngân hàng, tạo tiền đề cho sự phát triển. Dù vậy, đại diện SHB cũng
cho biết sẽ tiếp thu và cân nhắc đề nghị của cổ đông.
Riêng
với kế hoạch cổ tức năm 2023 ở mức 15%, thấp hơn năm 2022, Chủ tịch Hội
đồng quản trị SHB cho biết con số này chỉ là kế hoạch và có thể thay
đổi tùy theo tình hình hoạt động thực tế của ngân hàng. Nếu các mục tiêu
về doanh thu và lợi nhuận đều đạt, mức cổ tức "chỉ có thể bằng hoặc cao
hơn" năm 2022.
Năm nay, SHB trình cổ đông hai kế hoạch kinh doanh, tương ứng với hai mức tăng trưởng tín dụng là 10% và 14%.
Phương
án 1 với tăng trưởng tín dụng 10%, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận trước
thuế tăng hơn 6% lên 10.285 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng gần 9%,
với huy động ước tăng hơn 12%.
Phương án 2 với tăng
trưởng tín dụng 14%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng
gần 9,7%, đạt hơn 10.600 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối năm 2023 tăng
hơn 10% đạt trên 600.000 tỷ đồng, với huy động vốn tăng gần 15%.
Viết bình luận của bạn